Việt Nam-Indonesia 60 năm không ngừng hợp tác cùng phát triển
ĐỖ QUYÊN/JAKARTA (VIETNAM+) – Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (30/12/1955) đến nay, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển vượt bậc mang lại lợi ích cho cả hai bên. Năm nay hai nước sẽ kỷ niệm chặng đường 60 năm hợp tác cùng phát triển.
Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy, người đã có nhiều năm học tập và công tác tại quốc gia vạn đảo đã dành cho phóng viên VietnamPlus tại Jakarta cuộc trao đổi xung quanh chủ đề này.
Điểm lại những dấu mốc quan trọng của chặng đường 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Indonesia, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh có 3 mốc lớn thay đổi về chất của quan hệ hai nước. Năm 1955, hai nước thiết lập quan hệ ở mức Tổng Lãnh sự và đến năm 1965 nâng lên cấp Đại sứ.
Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Megawati đến Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là thay đổi lớn, mở đường cho hợp tác và quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Tháng 9/2011 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Indonesia, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược và điều đó đã trở thành hiện thực trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 6/ 2013, lãnh đạo hai nước đã chính thức quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược. Đây là 1 dấu mốc chuyển cả về chất và trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Tháng 10/2013, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký chương trình hành động để triển khai hợp tác đối tác chiến lược 2014-2018.
Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước khá chặt chẽ, với việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau và phối hợp trên nhiều lĩnh vực hợp tác liên quan đến hòa bình, ổn định.
Theo Đại sứ, Việt Nam và Indonesia có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, điển hình như hợp tác kinh tế đã phát triển vượt bậc. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại hai nước mới đạt 1,6 tỷ USD và hai bên đặt mục tiêu đạt 5 tỷ USD trước năm nay nhưng đến 2014, đã đạt 5,4 tỷ USD.
Tại chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên khẳng định lại mục tiêu đến năm 2018 đạt 10 tỷ USD, đây là quyết tâm chính trị lớn; đồng thời thể hiện tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thực tế tiềm năng hợp tác giữa hai nước có nhiều như trong kinh tế thương mại, đầu tư, Indonesia cũng là nhà đầu tư lớn trong số những nhà đầu tư ASEAN vào Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch cũng là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng lớn giữa hai nước, đặc biệt từ năm 2012, khi hàng không Việt Nam mở đường bay trực tiếp Thành phố Hồ Chí Minh-Jakarta, lượng khách du lịch trao đổi giữa hai nước đã tăng mạnh.
Hàng năm có khoảng 80.000 khách Indonesia thăm Việt Nam và 50.000 khách du lịch Việt Nam thăm Indonesia, mở ra một lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa hai nước; đồng thời tăng cường cơ hội giao lưu nhân dân và góp phần tham gia tích cực hơn vào Cộng đồng ASEAN.
Về những thách thức trong hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho biết Cộng đồng ASEAN hình thành vào tháng 12 năm nay, đồng thời với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời là rất đáng quan tâm.
Bởi khi hình thành cộng đồng, ngoài sự hợp tác, các nước thành viên cũng phải sẵn sàng tham gia quá trình cạnh tranh, vì trong khối ASEAN có nhiều thành viên có nền kinh tế rất phát triển.
Ngoài cạnh tranh về chất lượng hàng hóa, Việt Nam và Indonessia cũng như các nước thành viên khác cũng phải cạnh tranh về giá cả, đồng thời chuẩn bị lực lượng tham gia cộng đồng, nhất là giới doanh nghịêp.
Về cơ chế, Việt Nam và Indonesia đã có 2 cơ chế gồm Ủy ban hợp tác chung về Khoa học kỹ thuật, do các Bộ trưởng Thương mại làm Chủ tịch và Ủy ban hợp tác song phương do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm chủ tịch. Đây là những cơ chế hỗ trợ hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ cũng đề cập đến những mặt hợp tác khác giữa hai bên như hợp tác quốc phòng, giao lưu các đoàn trong lực lượng vũ trang (hải quân, không quân, lục quân…).
Về cân bằng giữa quan hệ song phương với thúc đẩy hợp tác chung trong ASEAN, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy khẳng định nhìn lại lịch sử phát triển ASEAN, có thể thấy Indonesia và Việt Nam là hai thành viên rất tích cực trong tất cả các lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội.
Trong giai đoạn phát triển mới khi ASEAN hình thành Cộng đồng sẽ đặt ra vấn đề cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực, các thành viên đều cần cân nhắc để hài hòa các lợi ích.
Vấn đề này lãnh đạo hai nước cũng đã có tính toán, hai bên có kế hoạch tham gia vào tất cả các lĩnh vực với vai trò thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng nhưng đồng thời vẫn mang lại lợi ích cho từng thành viên, trong đó có Việt Nam và Indonesia.
Indonesia là một nước lớn, thị trường lớn trong khu vực các nước Đông Nam Á hải đảo, còn Việt Nam là một nước lớn, nền kinh tế năng động, phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á lục địa.
Hai nền kinh tế này hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ tạo thành xương sống vững chắc cho Cộng đồng kinh tế ASEAN trong giai đoạn phát triển mới.